Trường hợp bài toán hóc hơn một chút, đó là đủ điều kiện kinh tế, bố mẹ chồng vẫn còn mạnh khỏe, nhưng muốn có người phục dịch miễn phí, nên nhất quyết bắt con cái phải sống chung mà mình lại không thích… thì tham khảo thêm xem sao.
Cách thức này tôi rút ra nhờ cái hồi “bị yêu”. Thủa ấy trẻ trâu dễ bị liêu xiêu trước các “anh hùng xạ điêu”, nên tôi “dây” phải một tay Chí Phèo, đến lúc bỏ chẳng bỏ được. “Em mà bỏ anh, hàng ngày anh xách một xô đến, quẳng cho cả xóm em ngửi”, hoặc “Em có tin mình không sinh cùng ngày cùng tháng, nhưng có thể chết cùng tháng cùng năm không?”. Cứ thế gai ốc con bé cứ gọi là mọc như lông nhím.
Tôi biết là không bỏ gã được bằng cách giải thích, chia tay thông thường nên đành ủ mưu, dần dần làm cho gã chán ngấy mà bỏ đi. Tôi thấy giữ mới khó chứ đá đít người mình không ưa thiếu gì cách. Tôi toàn ăn mặc xuề xòa, tránh xa mỹ phẩm, ngừng làm đẹp, chịu khó ăn tỏi, những buổi hẹn thì đừng đánh răng, lúc nào cũng nhăn nhó như bị đau dạ dày kinh niên… Tôi khiến gã tởn, chạy mất dép luôn, ngày hắn ngãng ra tôi mừng tưởng như chết đi sống lại, thôi thế là thoát nạn.
Áp dụng vào đây, khi không muốn ở cùng nhà chồng, tất nhiên là tôi không thể công khai làm căng được thì phải tế nhị, làm sao cho họ gợi ý mời tôi đi nhanh, khỏi cần cãi nhau, giận dữ mất xinh.
Với chồng thì tôi vẫn cứ khéo léo, lựa lời mà ngọt nhạt nếu không muốn phật ý chồng. “Anh phải hiểu cho em, giờ em phải làm quen, tập sống với cả một đại gia đình nên tâm lý không được thoải mái”. “Em đang cố thích nghi, bố mẹ và anh phải cho em thời gian”. Thi thoảng tối không cho chồng động vào người vì: “Việc nhà nhiều quá em thấy mệt, chỉ mơ được ngủ một giấc từ bảy giờ tối đến bảy giờ sáng”. “Hẹn bao giờ mình có một khoảng trời riêng, em sẽ quan tâm đến anh hơn”, chồng lại chẳng “phát rồ”, mong ngày mong đêm được ra ở riêng.
Với nhà chồng thì cứ nhẹ nhàng, góp vừa đủ tiền sinh hoạt, không mua sắm thêm bất cứ gì khác. Đi làm về đến nhà là lẩm bẩm ca thán, buôn than liên tục, nẫu hết cả lòng mề người xung quanh, cơ thể thì luôn lả lướt, ỉu xìu như cái giẻ vắt vai. Nếu có con thì cứ đẩy hết cho ông bà trông, ai hỏi thì kêu mệt, người chứ có phải trâu bò đâu mà không có lúc ươn.
Bố mẹ chồng có dặn dò, dạy dỗ nói nhiều thì coi như điếc, toàn gật gù thôi, còn làm theo hay không thì: “Con quên mất”.
Việc nhà cứ chăm chỉ vừa phải, chỉ cốt là mình không bày bừa ra. Nhà lau, quét một nhát đến tai, hai nhát đến gáy, sau đó thì bận điện thoại suốt. Bố mẹ chồng thích thì tự lau, năng lực của con chỉ đến thế: “Ôi, con thấy thế này là sạch sẽ, gọn ghẽ lắm rồi ý”. Bát thì rửa không cần dầu, bẩn tí chả chết ngay được, lý luận là con hạn chế dùng hóa chất, tránh xả thải ra ô nhiễm môi trường.
Nếu phải làm đầu bếp thì quanh năm chiêu đãi cả nhà món rau, thịt luộc, trứng rán cho thanh đạm: “Dầu mỡ làm gì béo, lại có hại cho tim”, “Ăn món quay, nướng, cháy dễ bị ung thư… Con ăn thế này thấy rất ngon rồi ạ”.
Ở nhà chồng bao lâu, được dạy rồi nhưng dâu vẫn dại, và vẫn rất vụng về, dờ dệt, cha sinh mẹ đẻ rồi chả sửa được. Mẹ chồng thị phạm mãi thì thôi làm luôn cho đỡ phí nhời, rồi sẽ ngán ngẩm, vì gặp phải cái loại ngu lâu dốt bền khó đào tạo chả được cái việc gì này, sẽ dần nung nấu ý định: “Thôi tống quái cho nhanh”.
Con dâu “vụng chèo khéo chống”, không cãi láo, cũng chẳng nặng nhẹ gây gổ nên họ kiếm đâu ra cớ mà mắng. Và lưu ý, với bất cứ ai, kể cả hàng xóm lúc nào cũng tươi cười, chào hỏi lễ phép, chả ai chê được, chỉ là rất luộm thuộm và lóng ngóng trong việc làm ô sin trong nhà thôi.
Cứ thế ba bảy hăm mốt ngày ông bà tiễn mình ra riêng khẩn trương, vì ở với chúng nó còn thấy mỏi hơn, thôi để chúng tao lo cho nhau cho lành, thích ăn lúc nào thì ăn khỏi phải chờ đợi mệt người. Thế là đôi chim câu ra ở riêng, tất cả nhà chả mừng hơn trúng số, bắt được vàng.
Song nên nhớ nếu anh chị nào tay trắng thì đừng hòng đòi bắt được “giặc”, lại có chị xót thuê nhà bất tiện với tốn kém… thì thôi kêu ca gì nhiều lời, không nhanh quay về mà nhịn, mà nịnh nhà chồng cho tiết kiệm. Bởi một khi đã bị lệ thuộc phần lớn về kinh tế thì định lớn tiếng với ai?
Minh Thư
(Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả)
ConversionConversion EmoticonEmoticon